Giới thiệu

Giới thiệu về chức năng nhiệm vụ của Phòng Giáo Dục Huyện Thoại Sơn – An Giang

Lãnh đạo phòng

Họ và tên: Trần Tấn Phước Chức vụ: Phó Trưởng Phòng

Họ và tên: Nguyễn Anh Tuấn Chức vụ: Phó Trưởng Phòng

Họ và tên: Dương Minh Hùng Chức vụ: Trường Phòng

Chức năng và nhiệm vụ

I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG 1. Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm: mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo. 2. Phòng Giáo dục và Đào tạo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN 1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện: a) Dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, pháp luật, các quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động giáo dục trên địa bàn; b) Dự thảo quyết định, chỉ thị, kế hoạch 5 năm, hàng năm và chương trình, nội dung cải cách hành chính nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn; c) Dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trừ cấp trung học phổ thông), trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non và Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; d) Dự thảo các quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể các các cơ sở giáo dục công lập, gồm: trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trừ cấp trung học phổ thông), trường tiểu học, cơ sở giáo dục mầm non; cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, giải thể các trường, các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật. 2. Hướng dẫn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục ở địa phương sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về giáo dục; chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn; thực hiện mục tiêu, chương trình nội dung, kế hoạch, chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động giáo dục, phổ cập giáo dục; công tác tuyển sinh, thi cử, xét duyệt, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn. 3. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các ngành học, cấp học trong phạm vi quản lý của huyện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 4. Tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong giáo dục, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương. 5. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn; xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về giáo dục trên địa bàn huyện. 6. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của huyện xây dựng kế hoạch biên chế; tổng hợp biên chế của các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của huyện, trình cấp có thẩm quyền quyết định. 7. Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, tài chính các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và quy định của pháp luật. 8. Phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch lập dự toán và phân bổ ngân sách giáo dục, dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm về giáo dục của huyện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính. 9. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền việc thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, đề án và các quy định của cấp có thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân về lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật. 10. Quản lý biên chế, thực hiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của phòng theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Ủy ban nhân cấp huyện. 11. Quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất được giao theo quy định của pháp luật và uỷ quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. 12. Thực hiện công tác báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo. 13. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao và theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC VÀ BIÊN CHẾ 1. Phòng Giáo dục và Đào tạo có Trưởng phòng và không quá 03 Phó Trưởng  phòng a) Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Phòng. b) Các Phó Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được phân công. c) Việc bổ nhiệm Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Biên chế hành chính của Phòng Giáo dục và Đào tạo được xác định trên cơ sở căn cứ vào khối lượng, tính chất, đặc điểm cụ thể công tác giáo dục và đào tạo của huyện; số lượng biên chế của Phòng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế hành chính của huyện được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao. 3. Tổ chức sự nghiệp giáo dục ở cấp huyện gồm: trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trừ cấp trung học phổ thông), trường tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú (nếu có), cơ sở giáo dục mầm non. Việc thành lập, sáp nhập, giải thể, chia tách, tổ chức lại các tổ chức sự nghiệp giáo dục công lập ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

Thành tích đạt được của Phòng Giáo Dục Huyện Thoại Sơn

Song hành cùng những bước tiến chung của huyện, ngành Giáo dục đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân trong huyện. Từ 1 trường mẫu giáo, 12 trường tiểu học, 4 trường THCS và 1 trường THPT vào năm 1979, đến nay trên địa bàn huyện có 01 nhà trẻ, 17 trường mẫu giáo, 35 trường tiểu học với 40 điểm trường lẻ, 14 trường THCS và 1 phân hiệu, 4 trường THPT với gần 2.300 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hơn 35.000 học sinh. Chất lượng, hiệu quả giáo dục đã có những chuyển biến tích cực ở tất cả các cấp học. Công bằng trong giáo dục được chú ý thực hiện, tạo thuận lợi cho học sinh người dân tộc, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật có điều kiện đến trường đúng độ tuổi.

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi người dân. Công tác phổ cập giáo dục ở tiểu học và THCS đã góp phần giảm tỷ lệ mù chữ, nâng cao trình độ dân trí  trong độ tuổi. Công tác phổ cập mẫu giáo 5 tuổi ngày càng được đẩy mạnh, tạo tiền đề thuận lợi để trẻ bước vào học tập ở bậc tiểu học. Huyện thoại Sơn đã được bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS vào thời điểm tháng 12/2007 và đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi vào thời điểm tháng 12/ 2008. Các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống giáo dục cả nước nói chung và của huyện nhà nói riêng, tạo đà cho sự thay đổi, phát triển về chất của ngành.

Cùng với việc đầu tư phát triển mạng lưới trường học, tăng qui mô học sinh,… ngành luôn chú trọng đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến nǎm 2000(NQTW2, khóa VIII ra đời năm 1997). Hiện nay, 100% giáo viên các cấp đạt trình độ chuẩn hoặc trê chuẩn. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp hầu hết đều qua chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, ngành còn tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện đầy đủ, đúng các chế độ, chính sách như: tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển, tiền lương, phụ cấp ưu đãi, nhà công vụ …, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên ổn định và yên tâm công tác.

Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao và phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ. Công tác chính trị tư tưởng, xây dựng đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học ngày càng được quan tâm thực hiện,  hầu hết cán bộ quản lý giáo dục đều là đảng viên.