Thoại Ngọc Hầu: Nguyễn Văn Thoại

Thoại Ngọc Hầu là một danh tướng nổi danh của triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 25-11 năm Tân Tỵ (1761) tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là ai?

Cha ông là Nguyễn Văn Lương và mẹ là Nguyễn Thị Tuyết. Sau này nhờ Thoại Ngọc Hầu có công lao nên hai người đều được tước phong.

Do có công lớn nên được chúa Nguyễn phong tước hầu. Ngoài ra cũng vì có công “bảo hộ” Cao Miên nên còn được gọi là Bảo hộ Thoại.(Thoại là tên của ông, Ngọc chỉ là mỹ tự dùng làm tên đệm, Hầu là tước phong).

Thời ông sống, lịch sử nước ta xảy ra chiến tranh Nam – Bắc giữa Trịnh với Nguyễn, tiếp theo là phong trào Tây Sơn. Thoại Ngọc Hầu phải cùng gia đình thân thuộc chạy vào Nam, cuối cùng định cư ở làng Thới Bình nằm trên cù lao Dài, sông Cổ Chiên thuộc địa phận Vũng Liêm, Vĩnh Long. Hiện nay ở đây còn một khu mộ gọi là lăng ông Bảo Hộ, gồm mộ mẹ đẻ và cha mẹ vợ của ông.

Tính đến năm 1777, khi được 16 tuổi, Thoại Ngọc Hầu xin đầu quân chúa Nguyễn tại Ba Giồng. Năm 1778, ông có mặt trong trận chiến đấu chiếm lại thành Gia Định. Năm 1782, Tây Sơn đại phá quân Nguyễn ở cửa Cần Giờ diệt cả tên chỉ huy Pháp Manael, ông và chúa Nguyễn phải bỏ chạy. Năm 1784, tiếp theo năm 1785, ông theo Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu viện.

Từ năm 1787 đến năm 1789, ông đã có công trong việc thu lại thành Gia Định nên được phong chức Cai cơ. Năm 1791, được cử là Trấn thủ hải khẩu Tắc Khái (tức cửa Lấp thuộc Bà Rịa). Năm 1792, ông lại sang Xiêm, trên đường về ông đã đánh tan bọn cướp biển Bồ Đà (Giavanays), liên tục các năm 1796, 1797, 1799 ông đều được Nguyễn Ánh cử sang Xiêm công cán. Chức tước cao nhất sau khi đi sứ năm 1799 ở Xiêm về của ông là Thượng đạo Đại tướng quân. Ông cũng đi sứ sang Lào một lần.

Năm 1800, Thoại Ngọc Hầu được phong Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, phối hợp với Lào đánh quân Tây Sơn ở Nghệ An. Nhưng đến năm 1801, ông bị giáng cấp, xuống chức Cai đội quản suất Thanh Châu đạo vì tự ý bỏ về Nam mà không đợi lệnh trên.

Năm 1802, Nguyễn vương thống nhất Nam – Bắc.

Trong dịp tặng thưởng các bề tôi có công, Thoại Ngọc Hầu cũng chỉ được phong Khâm sai Thống binh cai cơ.

Lúc ra Bắc tham gia thu phục Bắc Thành mới được cử Trấn thủ Bắc Thành rồi Trấn thủ Lạng Sơn. Năm 1808, trở về Nam nhận chức Trấn thủ Định Tường. Năm 1812, ông sang Cao Miên đón Nặc Ông Chân về Gia Định, năm 1813 hộ tống vị vua này về nước và ở lại “bảo hộ” Cao Miên. Ở đó được 3 năm, ông được triệu về nước để nhận chức trấn thủ Vĩnh Thanh.

Mùa xuân năm 1818 đến vài năm sau ông vâng lệnh vua lo việc đào kênh, lập làng, xây dựng nhiều tuyến giao thông quan trọng…

Năm 1821, Minh Mạng sắc chỉ cho ông là Thống chế Bảo hộ Cao Miên, kiêm Quản quân vụ Trấn Hà Tiên – Châu Đốc. Năm 1827, ông dâng sớ xin tuyển mộ tráng đinh, lập các đội quân An Hải và Châu Đốc để bảo vệ lãnh thổ phía Nam. Ngoài chăm lo việc đào kênh, lập làng, khẩn hoang Ông còn cho xây dựng nhiều tuyến đường bộ quan trọng nối liền nước ta và Cao Miên. 

– Ông mất ngày 6-6 năm Kỷ Sửu (1829). Sau khi trực tiếp xây dựng xong khu lăng miếu của chính mình và hai vị phu nhân, ông cho qui tụ hài cốt những người có công đào kinh Vĩnh Tế, khai hoang lập ấp về đây chôn chung trong lăng.

Thoại Ngọc Hầu theo đạo Phật, sống lạc quan, thích hát hò nên lúc ở Châu Đốc lập ra gánh hát bội Quảng Nam, một truyền thống quê hương miền Trung của ông….

Về đời tư, ông đã cưới bà Châu Thị Tế, người cùng làng ở cù lao Dài, sinh được người con trai là Nguyễn Văn Lâm. Ông còn có một bà vợ thứ tên là Trương Thị Miệt cũng sanh một con trai là Nguyễn Văn Minh, ngoài ra ông còn có người con gái nuôi tục gọi là (thị) Nghĩa…

Lăng Thoại Ngọc Hầu

– Vị trí: Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc, tỉnh An Giang. – Đặc điểm: Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình đồ sộ nhất ở chân núi Sam. Khu lăng có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Nói đến An Giang, hẳn du khách đã hơn một lần được chiêm ngưỡng những công trình tiêu biểu, gắn với một thời đi khẩn hoang, lập làng bảo vệ biên cương Tổ quốc của Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại. Ông là người có công đào kênh, đắp đường, góp phần xây dựng nên xứ sở An Giang tươi đẹp ngày nay, với các công trình như: lộ núi Sam – Châu Đốc dài 5 km được đắp từ năm 1826 – 1827, kênh Thoại Hà dài 30 km tại núi Sập được đào năm 1818. Người dân nơi đây gọi núi Sập là “Thoại Sơn” để ghi nhớ công lao Thoại Ngọc Hầu.

Lăng được bao bọc bằng một bức tường thành vách đúc dày dặn. Khu tịch rộng thênh thang với các bậc thang được xây bằng đá ong.

Cổng vào lăng có vòm cong hình bán nguyệt, hai bên trụ có chạm khắc câu đối, phía trong lăng là một khu đất bằng phẳng. Mộ Thoại Ngọc Hầu nằm chính giữa, bên phải là mộ của bà chính thất Châu Thị Tế, bên trái hơi lùi lại một chút là mộ bà thứ thất Trương Thị Kiệt. Bên phải khu mộ Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân là những ngôi mộ được xây thành một nhóm riêng biệt, phần nhiều là hình bầu dục, còn lại là hình voi phục, hình trái đàọ Theo lời một vài bô lão trong làng, thì đây là nơi cải táng những dân công đã chết trong khi theo Thoại Ngọc Hậu khai hoang lập ấp và đào kinh Vĩnh Tế.

Thoại Ngọc Hầu có công khai phá vùng biên giới hoang vu và xây dựng nhiều công trình có giá trị cao: hai kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà. Lập các làng ở Thoại Sơn và hai bên bờ kinh Vĩnh Tế. Mở đường Châu Đốc đi núi Sam.

Từ năm 1819 – 1824, kênh Vĩnh Tế được xây dựng, với chiều dài hơn 90 km và số nhân công lên đến 80.000 người, đây là một công trình kiến trúc tương đối qui mô, nối từ Châu Đốc đến Hà Tiên rồi chảy ra vịnh Thái Lan. Để ghi nhận công đức người vợ đắc lực của Thoại Ngọc Hầu, bà Châu Thị Tế, vua Minh Mạng đã đặt tên con kênh là “Vĩnh Tế Hà”, và núi Sam được đổi thành “Vĩnh Tế Sơn”. Bên triền núi Sam, Thoại Ngọc Hầu cùng hai người vợ yên nghỉ trong ngôi lăng đường bệ và bên cạnh là ngôi đền thờ Ông.

Du khách có dịp đến Thất Sơn – An Giang xin mời đến viếng thăm lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, ngắm dòng kênh Vĩnh Tế xanh biếc hiền hòa.